Tin tức

Sa sút trí tuệ ở người già - biểu hiện và nguyên nhân

16/03/2024
Admin

Sa sút trí tuệ là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, cứ ba giây thì lại có thêm một người bị sa sút trí tuệ và số người bị bệnh này tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm. Chi phí chăm sóc, điều trị người bệnh sa sút trí tuệ là khoảng 800 tỷ USD.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, thực tế nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 khi có 11% số dân trên 60 tuổi và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất. Tốc độ già hóa nhanh đã đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe, với các bệnh phổ biến như: Tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn... điển hình nhất là giảm thiểu trí tuệ.

Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ


Biểu hiện sớm sa sút trí tuệ như: quên tên người rất quen biết hoặc hay lẫn lộn các sự kiện mới - cũ; cảm xúc không ổn định, hay bực dọc, thường phản ứng bùng nổ cảm xúc với bạn bè và người thân, xua đuổi mọi người không chịu tiếp xúc, gây ra các vấn đề tồi tệ, cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu….

Giai đoạn đầu, người bệnh thường hay quên và thay đổi hành vi nhưng vẫn nhớ các sự kiện trong quá khứ nhưng đến giai đoạn muộn thì bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ, mất khả năng phán đoán và suy luận, đặc biệt mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần có người giúp đỡ.

Những người bị rối loạn định hướng về không gian, thời gian, rối loạn định hướng về bản thân khi đi ra đường rất dễ lạc, không tìm ra nhà để về.

Nguyên nhân của bệnh


Do thoái hóa thần kinh (bệnh Alzheimer); sa sút trí tuệ thể Lewy; bệnh Parkinson; do rối loạn thần kinh và chấn thương (chấn thương sọ não, xơ cứng rải rác); do các bệnh nhồi máu não, xuất huyết não, viêm não; do rối loạn nội tiết (đái tháo đường, suy giáp, cường giáp); do sử dụng thuốc, lạm dụng chất (thuốc an thần, rượu, ma túy)...

Phòng và điều trị bệnh sa sút trí tuệ thế nào?


Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hiện chưa có thuốc chữa, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tập trung vào nghiên cứu các hoạt động của con người có khả năng ngăn ngừa và làm chậm quá trình mắc bệnh.

Để phòng ngừa và làm chậm quá trình giảm thiểu trí tuệ, người cao tuổi cần hoạt động trí não thường xuyên như đọc báo giấy, đọc sách, tham gia các buổi sinh hoạt... nên luyện tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng. Khi dùng các loại thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ.

Tại Phương Đông Asahi, những bài luyện tập trí nhớ cùng chế độ thể dục điều độ, giúp người cao tuổi có thể tăng sự minh mẫn, tăng sức khỏe một cách hiệu quả.