Tin tức

Bệnh xương khớp ở người già: Nguyên nhân và cách cải thiện

04/06/2024
Minh Nguyệt

Bệnh xương khớp ở người già gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Tại Việt Nam, khoảng 60% người trên 65 tuổi mắc bệnh xương khớp (theo Hội Cơ xương khớp Việt Nam). Tuy nhiên việc sớm phát hiện nguyên nhân và cách cải thiện sẽ giúp người bệnh kiểm soát đáng kể cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tình trạng bệnh xương khớp ở người già 

Bệnh xương khớp ở người già thường gặp nhất bao gồm loãng xương, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đau dây thần kinh tọa,… Tình trạng bệnh thường không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt, nghiêm trọng hơn còn dẫn đến teo cơ hay biến dạng khớp xương, khiến người bệnh trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

bệnh xương khớp

Người cao tuổi có thể bị đau nhức ở bất cứ vị trí nào, nhưng phổ biến nhất vẫn là cổ, tay, chân, hông, đầu gối và cột sống. Các triệu chứng bệnh xương khớp thường gặp bao gồm:

  • Đau nhức xương khớp, cứng khớp vào buổi sáng
  • Nhức mỏi thường xuyên, nhất là khi vận động nhiều hoặc thay đổi thời tiết
  • Tê bì chân tay, mất cảm giác; cử động, đi lại khó khăn
  • Đau âm ỉ, dữ dội hoặc cảm giác nhức nhối, khó chịu tại các vùng bị viêm
  • Sưng nhức ở những vùng xương khớp bị khô, mòn
  • Thoái hóa đốt sống cản trở lưu thông khí huyết, gây rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não

Nguyên nhân bệnh xương khớp ở người già

Bệnh xương khớp ở người già đến từ hai nguyên nhân chính: do bệnh lý và nguyên nhân cơ giới.

nguyên nhân gây bệnh

Bệnh xương khớp do bệnh lý

Người lớn tuổi thường mắc một số bệnh lý về cơ xương khớp gây đau nhức xương khớp sau:

  • Loãng xương: Đây là hiện tượng giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương giòn, dễ gãy, tổn thương. Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh lý này là đau nhức tại vị trí đầu xương hoặc dọc các xương dài như xương cánh tay, xương cẳng chân.
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do màng hoạt dịch của khớp bị tổn thương. Người bệnh thường bị đau ở các khớp đối xứng, khớp nhỏ như ngón tay, bàn tay, đầu gối; đặc biệt khó cử động do cứng khớp vào sáng sớm hoặc khi trời lạnh.
  • Thoái hóa khớp: Sự bào mòn sụn khớp, đĩa đệm, suy giảm dịch nhầy khiến khớp bị đau, khô cứng. Các vị trí dễ bị thoái hóa gồm khớp háng, khớp gối, ngón tay, ngón chân, cột sống thắt lưng.
  • Bệnh gout: Bệnh có một số biểu hiện đặc trưng như sưng phù, nóng đỏ, đau nhức các vùng khớp ngón tay, ngón chân, bàn tay, cổ chân hoặc khớp gối. Các cơn đau thường xuất hiện về đêm kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao, mệt mỏi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gout có thể gây ra biến dạng khớp vĩnh viễn.

Đau nhức xương khớp do tác nhân khác

Môi trường, điều kiện sống, lối sống mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe xương khớp, kéo theo tình trạng đau nhức xương khớp khi về già.

  • Do chấn thương: Di chứng do tai nạn, ngã, va đập mạnh có thể khiến xương khớp bị tổn thương; gây cảm giác đau nhức, khó chịu khi vận động mạnh, làm việc quá sức hoặc thay đổi thời tiết.
  • Do ít vận động: Ngồi một chỗ quá lâu, ít đi lại hoặc tập thể dục có thể khiến cơ khớp và dây chằng bị căng cứng, dẫn tới đau nhức. Thông thường những người làm văn phòng, lái xe, công nhân may,… là các đối tượng dễ mắc bệnh xương khớp do ít vận động.
  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể quá lớn có thể gây áp lực lên xương khớp, dẫn đến nguy cơ đau nhức xương khớp toàn thân cao hơn người có cân nặng bình thường.
  • Do thay đổi thời tiết: Thời tiết khắc nghiệt hoặc thay đổi đột ngột gây suy giảm tuần hoàn máu, làm giảm lưu thông của dịch khớp, khiến các cơ và dây chằng nâng đỡ khớp bị cứng lại, tình trạng đau nhứ trở nặng hơn. Đặc biệt người cao tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nguyên nhân này.

Cách cải thiện bệnh xương khớp ở người già

Người cao tuổi đau nhức xương khớp có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giảm thiểu cơn đau và ngăn chặn tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Vận động, tập luyện thường xuyên

Người cao tuổi nên duy trì tập luyện, vận động nhẹ nhàng từ 30 – 45 phút mỗi ngày. Việc tập luyện đúng cường độ, đúng cách không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn duy trì sự linh hoạt, dẻo dai cho xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tránh các động tác ngồi xổm, leo trèo, gập gối,… và vận động quá sức, sai tư thế để tình trạng đau nhức xương khớp không chuyển biến nặng.

cách cải thiện bệnh xương khớp

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Người bệnh xương khớp cần đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày; bổ sung đủ vitamin, chất chống oxy hóa, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Một số thực phẩm tốt cho xương khớp gồm trái cây, rau xanh, sữa, hải sản, trứng, đậu, mộc nhĩ,… Bên cạnh đó người bệnh cũng nên hạn chế thực phẩm chiên rán, thịt đỏ, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt, đồ uống có cồn, thuốc lá,… để tránh bệnh tình tiến triển nặng, ảnh hưởng tới quá trình điều trị.

Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh

Người già đau xương khớp cần chú ý giữ ấm các vùng dễ bị đau như cổ, tay, chân và hạn chế ra ngoài khi trời trở lạnh. Người bệnh cũng có thể giữ ấm không gian sống, uống trà nóng hoặc ngâm chân vào nước ấm, massage trước khi đi ngủ để tránh nhiễm lạnh, giảm đau hiệu quả.

Việt Nam hiện nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới. Đáng lo ngại, bệnh đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa với độ tuổi mắc từ 35 – 45. Hy vọng bài viết của phức hợp Nghỉ dưỡng – Dưỡng lão Phương Đông Asahi giúp bạn đọc nâng cao nhận thức về bệnh xương khớp ở người già và trang bị đủ kiến thức để phòng ngừa tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ.