Tin tức

Hướng dẫn các cách phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả

01/07/2025
Quang Dũng

Loãng xương là căn bệnh âm thầm bào mòn sức khỏe, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như đau nhức, gãy xương, hạn chế vận động, đặc biệt ở người lớn tuổi. Cùng tìm hiểu cách điều trị cũng như phòng ngừa loãng xương từ sớm để bảo vệ xương khớp chắc khỏe mỗi ngày.

Loãng xương có chữa được không?

Bệnh loãng xương thường diễn tiến trong âm thầm, chỉ được phát hiện khi người bệnh gặp các biến chứng nghiêm trọng như gãy xương, đau nhức kéo dài. Đặc biệt, căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn nên mục tiêu chính của việc điều trị là phòng chống hoặc kiểm soát tiến triển bệnh, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương.

Điều này được thực hiện bằng ba cách phổ biến, bao gồm:

  • Phục hồi mật độ và cấu trúc xương đã suy giảm
  • Tăng cường khối lượng xương
  • Ngăn chặn tình trạng mất xương, hạn chế tối đa tốc độ tiêu xương

Hiện nay, nhiều người đã chủ động phòng ngừa và tìm kiếm các cách điều trị bệnh loãng xương thông qua việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lối sống khoa học, kết hợp sử dụng thuốc Tây hoặc tham khảo thêm các phương pháp điều trị loãng xương bằng Đông y để nâng cao hiệu quả.

Các cách điều trị bệnh loãng xương không dùng thuốc

Đây là lựa chọn thiết thực giúp phòng ngừa và hỗ trợ làm chậm tiến triển bệnh, đặc biệt phù hợp với người mới mắc hoặc có nguy cơ cao bị loãng xương. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Người bệnh cần bổ sung đầy đủ canxi (khoảng 1.000 – 1.500mg/ngày) và vitamin D để tăng cường tái tạo xương, thông qua các thực phẩm như sữa, phô mai, sữa chua, rau lá xanh, cá hồi, hải sản và các loại hạt dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các tác nhân gây hại như rượu bia, cà phê, thuốc lá, nước ngọt có ga và thực phẩm chế biến sẵn.

 

Ngoài dinh dưỡng, vận động thể chất đúng cách cũng là biện pháp điều trị loãng xương không dùng thuốc mang lại hiệu quả tích cực. Người bệnh nên duy trì thói quen tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh, khiêu vũ hoặc các bài tập aerobic phù hợp với độ tuổi và thể trạng. Đặc biệt, nên ưu tiên các bài tập ngoài trời vào buổi sáng để cơ thể hấp thụ vitamin D tự nhiên, hỗ trợ tăng cường mật độ xương. Với những trường hợp loãng xương nặng, có thể kết hợp sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nẹp chỉnh hình cho cột sống hoặc khớp hông nhằm giảm áp lực và hạn chế nguy cơ gãy xương.

Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát cân nặng hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ là giải pháp hữu hiệu góp phần cải thiện sức khỏe xương khớp bền vững và phòng tránh biến chứng nguy hiểm.

Điều trị loãng xương bằng Đông y

Theo y học cổ truyền, loãng xương không chỉ do tuổi tác mà còn liên quan đến sự suy yếu các tạng phủ, đặc biệt là thận, tỳ và can.

Cụ thể, thận được coi là “gốc của tủy cốt”, khi chức năng thận suy giảm do bẩm sinh yếu, sinh hoạt tình dục quá độ hoặc quá trình lão hóa tự nhiên khiến tinh huyết không đủ, tủy xương giảm sút, làm cho xương giòn yếu, dễ gãy. Ngoài ra, việc ăn uống thiếu khoa học, tiêu hóa kém cũng ảnh hưởng đến tỳ vị, khiến cơ thể không hấp thụ được dưỡng chất nuôi dưỡng xương, từ đó dẫn đến tình trạng loãng xương. Bên cạnh đó, khi tuổi tác tăng cao, can thận âm hư kết hợp với phong thấp (tà khí từ môi trường) xâm nhập khiến khí huyết lưu thông kém, đau nhức xương khớp, làm trầm trọng thêm bệnh loãng xương.

 

Dựa trên các nguyên nhân đó, Đông y tập trung điều trị bằng cách bồi bổ thận – tỳ – can, tăng cường lưu thông khí huyết và loại bỏ tà khí. Các bài thuốc điều trị loãng xương bằng Đông y thường kết hợp thảo dược như đỗ trọng, ngưu tất, kỷ tử, thục địa,… giúp mạnh gân cốt, bổ thận, dưỡng huyết và hỗ trợ làm chậm quá trình mất xương.

Phương pháp này không chỉ góp phần cải thiện tình trạng loãng xương mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể, phù hợp cho người lớn tuổi hoặc những trường hợp không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc Tây.

Thuốc trị loãng xương

Hầu hết thuốc điều trị loãng xương hiện nay hoạt động theo hai cơ chế: ức chế quá trình tiêu xương và kích thích quá trình tạo xương. Tùy vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể được kê các nhóm thuốc sau:

Nhóm bisphosphonates

Đây là nhóm thuốc được lựa chọn hàng đầu trong điều trị loãng xương, với các hoạt chất như alendronate, risedronate, ibandronate và axit zoledronic. Bisphosphonates có tác dụng làm chậm quá trình hủy xương, giúp xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng dạng uống, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, khó tiêu. Đối với dạng tiêm tĩnh mạch (axit zoledronic), người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu hoặc đau cơ.

Mặc dù hiếm gặp nhưng khi dùng bisphosphonates kéo dài, có thể xuất hiện biến chứng như gãy xương đùi không điển hình hoặc hoại tử xương hàm, đặc biệt sau khi nhổ răng hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa. Vì vậy, thời gian sử dụng nhóm thuốc này thường không kéo dài quá 5 năm, song hiệu quả bảo vệ xương vẫn có thể duy trì sau đó. Bisphosphonates chống chỉ định cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú và bệnh nhân suy thận nặng.

Denosumab

Là giải pháp thay thế cho những trường hợp không đáp ứng hoặc không thể dùng bisphosphonates. Denosumab được tiêm mỗi 6 tháng, có tác dụng làm giảm nguy cơ mất xương và gãy xương. Tuy nhiên, nếu ngừng thuốc đột ngột mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, nguy cơ gãy xương, trong đó có xương cột sống sẽ xảy ra. Trong trường hợp ngừng denosumab, bác sĩ thường chỉ định quay lại sử dụng bisphosphonates để duy trì hiệu quả điều trị.

Strontium ranelate

Loại thuốc này có tác dụng kép khi vừa kích thích tạo xương, vừa ức chế quá trình hủy xương. Tuy nhiên, strontium ranelate chưa được sử dụng phổ biến do có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch. Thuốc thường chỉ được kê cho những người không phù hợp hoặc dung nạp bisphosphonates.

Deca-durabolin và durabolin

Đây là nhóm thuốc có khả năng tăng cường đồng hóa trong cơ thể, hỗ trợ quá trình tái tạo xương, thường được sử dụng cùng các loại thuốc trên để tăng hiệu quả điều trị.

 

Các thuốc kích thích tạo xương

Teriparatide, abaloparatide và romosozumab là những lựa chọn dành cho trường hợp loãng xương nghiêm trọng, có nguy cơ gãy xương cao hoặc rất cao, đặc biệt khi người bệnh không đáp ứng tốt với các thuốc khác. Thuốc được tiêm dưới da, tuy nhiên chỉ duy trì hiệu quả trong quá trình sử dụng. Sau khi kết thúc liệu trình, người bệnh cần tiếp tục dùng các thuốc khác để ổn định mật độ xương.

Cách phòng ngừa bệnh loãng xương từ sớm

Để ngăn ngừa loãng xương từ sớm, bạn có thể duy trì lối sống khoa học như:

  • Bổ sung đủ canxi (1.000 - 1.500mg) và vitamin D (800 - 1.000 IU) mỗi ngày thông qua chế độ dinh dưỡng cân đối, kết hợp uống đủ nước.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, bởi nicotine làm tăng tốc độ mất xương và nguy cơ gãy xương.
  • Tăng cường vận động thể chất với các bài tập phù hợp giúp cải thiện độ chắc khỏe và dẻo dai cho hệ cơ xương khớp.
  • Theo dõi chiều cao thường xuyên vì giảm chiều cao đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo loãng xương tiến triển hoặc lún đốt sống.
  • Phòng ngừa té ngã bằng cách sử dụng giày dép chống trượt, lắp tay vịn trong nhà tắm, giữ không gian sống luôn thông thoáng, an toàn.
  • Thực hiện đo mật độ xương định kỳ, đặc biệt với phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi để phát hiện và điều trị loãng xương kịp thời.
  • Chủ động trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, nhất là corticoid hoặc thuốc có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp.

Tại Phương Đông Asahi, gói dịch vụ “An Cốt dưỡng dáng” đang được triển khai, giúp khách hàng chăm sóc xương khớp, kết hợp phòng ngừa và điều trị loãng xương trong môi trường nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao. Để đăng ký trải nghiệm, vui lòng liên hệ hotline 1900 5288 hoặc theo dõi fanpage Phương Đông Asahi - Nghỉ dưỡng trị liệu Người cao tuổi.