Tin tức

Mất ngủ ở người già: Tình trạng, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

28/03/2025
Quang Dũng

Chứng mất ngủ ở người cao tuổi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà còn làm suy giảm tinh thần, lo âu, mệt mỏi và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Hiểu rõ nguyên nhân, nhận biết sớm dấu hiệu để có phương pháp chữa bệnh kịp thời sẽ giúp người già ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi

Mất ngủ là một trong những chứng bệnh rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người già. Con số thống kê của Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ (National Sleep Foundation) cho thấy khoảng 50% người từ 60 tuổi trở lên gặp tình trạng mất ngủ kinh niên hoặc các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người già mất ngủ cũng không hề nhỏ, do sự thay đổi về sinh lý, bệnh lý và các áp lực tâm lý hàng ngày. Theo một khảo sát của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hơn 60% người trên 65 tuổi sử dụng các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ, bao gồm thuốc ngủ, thực phẩm chức năng hay các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, việc lạm dụng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ đột quỵ và phụ thuộc thuốc.

Tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi

Thực tế, giấc ngủ của người lớn tuổi thường ngắn và nông hơn người trẻ. Nhiều người phải trằn trọc hàng giờ, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh sớm hoặc khó ngủ lại sau mỗi lần thức giấc. Điều này dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, tăng nguy cơ té ngã và mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường,…

Nhìn chung, mất ngủ ở người lớn tuổi không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn tác động đến gia đình và xã hội. Người già bị mất ngủ kéo theo lo âu, trầm cảm, dễ cáu gắt, ảnh hưởng đến mối quan hệ với con cháu và chất lượng cuộc sống chung. Vì vậy, cần nhận thức sớm vấn đề để cải thiện tình trạng mất ngủ, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Nguyên nhân mất ngủ ở người lớn tuổi

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ ở người già, từ những thay đổi sinh lý tự nhiên, ảnh hưởng của bệnh lý mạn tính đến thói quen sinh hoạt chưa hợp lý.

Nguyên nhân mất ngủ nguyên phát

Suy giảm chức năng: Quá trình lão hóa khiến chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể dần suy giảm, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sinh lý, bao gồm cả giấc ngủ. Ở người cao tuổi, các tế bào thần kinh bị thoái hóa, làm suy giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu, gây mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ chập chờn, không sâu giấc.

Rối loạn nhịp sinh học: Khi tuổi càng cao, các tế bào nhân siêu vi (SCN) trong não – bộ phận chịu trách nhiệm kiểm soát nhịp sinh học – bị suy giảm chức năng, làm giấc ngủ trở nên thất thường.

Thiếu hụt hormone melatonin: Cơ thể người già sản xuất ít hormone melatonin chỉ bằng một nửa người trẻ, khiến khả năng điều hòa giấc ngủ suy yếu, dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu hoặc thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm.

Nguyên nhân mất ngủ ở người lớn tuổi

Ngưng thở/gián đoạn hơi thở trong lúc ngủ: Làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, không chỉ gây mệt mỏi vào ban ngày mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp cao.

Hội chứng chân không yên (RLS): Tạo cảm giác khó chịu, muốn cử động chân liên tục trong lúc ngủ.

Rối loạn cử động tứ chi theo chu kỳ: Hiện tượng co giật hoặc chuột rút không kiểm soát ở tay, chân trong lúc ngủ, thường lặp lại theo chu kỳ từ 5 – 90 giây và kéo dài đến 60 phút. Những cử động này có thể khiến người bệnh thức giấc nhiều lần trong đêm, gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể.

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: Hành vi bất thường như cười nói, la hét, đột nhiên vung tay chân hoặc ngồi bật dậy khi đang ngủ. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể rời khỏi giường mà không hay biết, làm tăng nguy cơ té ngã và chấn thương.

Mất ngủ do bệnh lý

Dưới đây là những bệnh lý phổ biến không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của người già.

Bệnh lý thần kinh: Các bệnh trầm cảm, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, đột quỵ,…

Bệnh xương khớp: Thoái hóa cột sống, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, loãng xương,… gây ra tình trạng đau nhức về đêm.

Bệnh tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng, viêm đại tràng, viêm loét dạ dày,…

Bệnh hô hấp: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen suyễn, viêm phế quản,… gây ra các triệu chứng như tức ngực, khó thở, ho khan,…

Người lớn tuổi bị mất ngủ do tác dụng phụ của thuốc

Người già dùng thuốc điều trị bệnh có thể gặp tình trạng mất ngủ do tác dụng phụ của thuốc. Có thể kể đến một số loại như:

  • Thuốc lợi tiểu điều trị bệnh tăng nhãn áp hoặc cao huyết áp
  • Thuốc kháng cholinergic điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Thuốc hạ áp dùng cho người bệnh bị tăng huyết áp
  • Thuốc Corticosteroid điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp
  • Thuốc chống trầm cảm điều trị rối loạn lo âu
  • Thuốc Levodopa điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc ức chế Histamin H2, ví dụ như Zantac, Tagamet,… dùng để điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Thuốc Adrenergic sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như ngừng tim hoặc hen suyễn đột ngột

Những lý do gây mất ngủ khác

Môi trường sống: Các yếu tố như tiếng ồn, ánh sáng mạnh, không khí ô nhiễm hoặc phòng ngủ ẩm thấp, chật chội,… có thể gây khó ngủ, ngủ bị gián đoạn.

Môi trường sống chế độ sinh hoạt bất ổn

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống không khoa học, không đủ chất, thất thường không đúng giờ hoặc tiêu thụ chất kích thích (rượu bia, trà đặc, cà phê, nước có ga,…) quá nhiều có thể gây ra tình trạng mất ngủ. Ngoài ra, hút thuốc cũng ảnh hưởng tới hệ thần kinh, khiến ngủ chập chờn, khó sâu giấc.

Dấu hiệu của bệnh mất ngủ, các triệu chứng mất ngủ ở người già

Mất ngủ ở người cao tuổi có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Ngủ ít, khó ngủ, ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc giữa đêm
  • Không buồn ngủ vào buổi đêm hoặc buồn ngủ nhưng không thể ngủ được
  • Không ngủ suốt đêm, thường thức giấc nhiều lần, khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc
  • Trằn trọc đến sáng mới ngủ
  • Giấc ngủ không ổn định, thường xuyên bị gián đoạn
  • Tỉnh giấc sớm
  • Chất lượng giấc ngủ suy giảm, không mang lại cảm giác thư giãn, sảng khoái sau khi thức dậy

Mất ngủ thường được chia thành ba dạng chính: mất ngủ thoáng qua (không thường xuyên), mất ngủ cấp tính (dưới 4 tuần) và mất ngủ mạn tính (kéo dài trên 4 tuần). Trường hợp mất ngủ thoáng qua hoặc cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành mất ngủ mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe do khả năng cải thiện khó khăn hơn.

Tác hại của việc mất ngủ kéo dài ở người cao tuổi

Tình trạng mất ngủ kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một số tác hại thường gặp bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu tỉnh táo vào ban ngày
  • Suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh
  • Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
  • Dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ không kiểm soát vào ban ngày
  • Thiếu hụt năng lượng, làm tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì
  • Làm trầm trọng hơn các bệnh lý nền, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn
  • Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến rối loạn nhận thức, gây ảo giác hoặc suy giảm trí nhớ

Cách chẩn đoán chứng mất ngủ

Để xác định chính xác nguyên nhân gây mất ngủ, người cao tuổi nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, xem xét tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt, các loại thuốc đang dùng và triệu chứng hiện có. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ mất ngủ là cấp tính hay mạn tính.

Cách chẩn đoán chứng mất ngủ

Trong trường hợp chưa thể đưa ra chẩn đoán chính xác dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp cận lâm sàng như:

Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Giúp phân tích các thay đổi sinh lý khi ngủ như điện não, nhịp thở, chỉ số ngưng thở, nhịp tim, cử động mắt và tay chân.

Đo điện não đồ (EEG): Đánh giá hoạt động điện não liên quan đến giấc ngủ, giúp xác định từng giai đoạn ngủ và mức độ rối loạn giấc ngủ.

Đo độ trễ giấc ngủ (MSLT): Kiểm tra khả năng đi vào giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ của người bệnh, hỗ trợ chẩn đoán chứng mất ngủ chính xác hơn.

Chụp CT, MRI, X-quang và xét nghiệm máu: Được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ có bệnh lý nền ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như rối loạn thần kinh, tim mạch hoặc nội tiết.

Việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, cải thiện chất lượng giấc ngủ và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.

Cách trị bệnh mất ngủ ở người già

Điều trị chứng mất ngủ cần được cá nhân hóa, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Để cải thiện giấc ngủ hiệu quả, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen sinh hoạt với các phương pháp hỗ trợ tại nhà. Đặc biệt, với những người có bệnh lý nền, cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.

Sử dụng thuốc hỗ trợ ngủ ngon

Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị mất ngủ cho người cao tuổi bao gồm:

Thuốc an thần: Hỗ trợ thư giãn thần kinh, dễ đi vào giấc ngủ. Một số loại phổ biến gồm thuốc benzodiazepine (lorazepam, diazepam) và nonbenzodiazepine (zaleplon, zolpidem).

Thuốc điều chỉnh hormone giấc ngủ: Các loại thuốc giúp bổ sung melatonin, hỗ trợ điều chỉnh chu kỳ sinh học và cải thiện giấc ngủ tự nhiên.

Thuốc chống trầm cảm: Một số loại như doxepin, trazodone, mirtazapine có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ mạn tính, đặc biệt khi liên quan đến rối loạn tâm lý.

Cách trị bệnh mất ngủ ở người già

Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bởi việc lạm dụng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sức khỏe chung. Người bệnh cần sử dụng đúng liều lượng, đúng cách theo hướng dẫn y khoa.

Ngoài ra, cần nhận biết tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như chóng mặt, hoa mắt, buồn ngủ vào ban ngày, rối loạn tiêu hóa,… để theo dõi phản ứng cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết.

Cách trị mất ngủ cho người già tại nhà

Để nâng cao hiệu quả điều trị chứng mất ngủ ở người cao tuổi, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp thêm các biện pháp hỗ trợ tại nhà để ngủ ngon hơn.

Thiết lập không gian ngủ lý tưởng:

  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng ở khoảng 26 độ C
  • Hạn chế ánh sáng mạnh và tiếng ồn
  • Giữ gìn phòng ngủ sạch sẽ, thoáng đãng
  • Sử dụng các loại nệm, gối phù hợp, có độ đàn hồi và thoáng khí
  • Sử dụng tinh dầu xông giúp thư giãn, giảm căng thẳng

Bổ sung nhóm thực phẩm cải thiện giấc ngủ:

  • Cá béo (bổ sung omega-3, vitamin B6) giúp tăng cường sản xuất melatonin
  • Quả óc chó chứa nhiều melatonin và omega-3 hỗ trợ ngủ ngon
  • Hạnh nhân cung cấp magie, melatonin và tryptophan giúp thư giãn cơ thể
  • Mật ong giúp tăng insulin, kích thích não giải phóng tryptophan, hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn

thực phẩm giúp cải thiện giấc ngủ

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt:

  • Đảm bảo thời gian ngủ đều đặn, cố định để tạo thành thói quen
  • Duy trì việc tập luyện từ 15 – 30 phút mỗi ngày, lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe, cường độ vừa phải, tránh gắng sức và tập luyện quá khuya
  • Nghỉ ngơi, thư giãn trước khi ngủ, tránh dùng các thiết bị điện tử
  • Không ăn quá no, uống nhiều nước hoặc sử dụng chất kích thích vào buổi tối
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung trái cây, rau củ quả, uống đủ nước
  • Hạn chế đồ chiên rán, dầu mỡ, nhiều gia vị, thực phẩm đóng hộp

Ngâm chân nước ấm trước khi ngủ: Mỗi ngày 15 phút ngâm nước ấm khoảng 60 độ C giúp lưu thông khí huyết, tạo cảm giác thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, có thể xoa bóp nhẹ nhàng tay chân để giãn cơ, giảm đau nhức, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Điều trị mất ngủ cho người lớn tuổi tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa

Để cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài, nhiều người cao tuổi lựa chọn điều trị tại các trung tâm y tế và cơ sở chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ chuyên môn thăm khám, xác định nguyên nhân gây mất ngủ và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

Các phương pháp phổ biến trong trị mất ngủ cho người già tại trung tâm bao gồm:

Liệu pháp tâm lý thư giãn: Giúp người cao tuổi kiểm soát căng thẳng, cải thiện rối loạn giấc ngủ.

Liệu pháp ánh sáng: Điều chỉnh nhịp sinh học, kích thích sản sinh melatonin giúp dễ ngủ hơn.

Vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt: Giúp thư giãn hệ thần kinh, giảm đau nhức xương khớp hỗ trợ giấc ngủ.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: Hướng dẫn người bệnh xây dựng thói quen ngủ khoa học, duy trì tinh thần thoải mái.

Sử dụng thuốc theo chỉ định: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hỗ trợ giấc ngủ nhưng luôn đảm bảo liều lượng phù hợp để tránh tác dụng phụ.

Hiện tại, Phương Đông Asahi đang triển khai gói Nghỉ dưỡng kết hợp lấy lại giấc ngủ sinh lý dành riêng cho đối tượng người cao tuổi. Đây là mô hình tiên phong kết hợp điều trị đa chuyên khoa với dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ trong môi trường tiện nghi, chuyên nghiệp.

Theo dõi fanpage Phương Đông Asahi - Nghỉ dưỡng trị liệu Người cao tuổi để cập nhật thông tin về gói điều trị và các kiến thức liên quan đến giấc ngủ người cao tuổi.