Tin tức

Tết Đoan Ngọ: Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết diệt sâu bọ

10/06/2024
Minh Nguyệt

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ diễn ra vào ngày 05/05 Âm lịch hàng năm, là một trong những ngày Tết truyền thống của người Việt.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ quan niệm dân gian. Theo đó, thời tiết tháng Năm (Âm lịch) ở khu vực Đông Nam Á thường rất nắng nóng. Đây là thời điểm côn trùng và sâu bọ sinh sôi phát triển, khiến người nông dân phải tìm cách tiêu diệt nhằm bảo vệ hoa màu. Ở nhiều nơi, người dân làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ nhằm phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài gây hại cây trồng và cầu mong mùa màng bội thu.

Về quan niệm này, TS. Trần Long – Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) giải thích thêm: Người Việt xưa ăn Tết vào tháng 11 Âm lịch nên tháng 5 là thời điểm giữa năm, khi kết thúc vụ Chiêm để chuyển sang vụ Mùa. Giai đoạn này thời tiết thay đổi, dịch bệnh bùng phát nên trong dân gian lưu truyền nhiều tập tục diệt trừ sâu bọ, phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ hoa màu.

Tết diệt sâu bọ

Phong tục cúng Tết Đoan Ngọ

Trong dân gian hiện còn lưu truyền nhiều phong tục cúng Tết Đoan Ngọ như sau.

Thời điểm cúng Tết Đoan Ngọ

Trong từ “Đoan Ngọ”, “Đoan” có nghĩa là mở đầu, còn “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Đây cũng là thời điểm cúng Tết Đoan Ngọ theo dân gian. Tuy nhiên do công việc và các yếu tố khác mà nhiều gia đình lựa chọn cúng lễ vào buổi sáng, chỉ cần không vượt quá giờ Ngọ. Thông thường có hai khung giờ đẹp để thực hiện nghi lễ cúng bái, đó là Canh Thìn (từ 7 – 9 giờ) và Nhâm Ngọ (từ 11 – 13 giờ).

thời gian cúng tết đoan ngọ

Nhiều vùng miền trước đây thường cúng Tết Đoan Ngọ cả ở trong nhà và ngoài trời. Cúng trong nhà với mục đích khấn xin tổ tiên phù hộ, che chở con cháu khỏe mạnh, bình an; còn mâm cúng ngoài trời có ý nghĩa cảm tạ trời đất, thần Phật phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hòa thuận. Tuy nhiên ngày nay nhiều gia đình đã giản tiện thủ tục, chỉ làm một mâm cúng trong nhà. Điều này không làm mất đi ý nghĩa của ngày Tết mà còn là sự điều chỉnh để phù hợp với phong tục tập quán và thời đại.

Chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ có sự khác biệt tùy vào văn hóa và vùng miền. Tuy nhiên mỗi món ăn, lễ vật được bày biện trên mâm cúng đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ với tổ tiên, thần Phật.

mâm cúng tết đoan ngọ

Mâm cúng miền Bắc: Theo quan niệm dân gian, các loại thức ăn với đủ vị chua, cay, ngọt, nồng đều có tác dụng tiêu diệt ký sinh trong cơ thể. Do đó người Bắc thường chuẩn bị các loại quả đúng mùa như mận, vải cùng với bánh tro, rượu nếp, nếp cẩm để cúng Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra, người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai còn cúng thêm bánh khúc – một thức quà thơm ngon với sự kết hợp của nhân đỗ ngậy bùi và vỏ nếp dẻo dai.

Mâm cúng miền Trung: Món ăn không thể thiếu trên mâm cúng các tỉnh thành miền Trung là thịt vịt. Người dân ở đây quan niệm từ ngày 05/05 Âm lịch trở đi, vịt đã bắt đầu vào mùa. Thịt vịt chắc, thơm, có tính hàn sẽ là món ăn phù hợp để cân bằng nhiệt vào mùa hè.

Mâm cúng miền Nam: Trên mâm cúng miền Nam không thể thiếu bánh ú tro và chè trôi nước. Hai món này thường được bày bán rất nhiều ở các khu chợ lớn nhỏ trước ngày 05/05 Âm lịch. Ngoài ra bánh bá trạng, xôi gấc, xôi vò cũng được bày biện để làm đa dạng thêm mâm cúng.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ 05/05, Phương Đông Asahi kính chúc Quý khách sức khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc và có những phút giây quây quần đầm ấm bên gia đình.